Thập Niên 60: Cuộc Sống Mỹ Mãn Của Vợ Trước Lót Đường Trong Niên Đại Văn

Chương 112:
Với năng lực của quân đội thì có thể nhanh chóng thực hiện.
Buổi sáng Nghiêm Lỗi họp xong, đến chiều thì xin nghỉ với Chính ủy để rời đi trước.
Sau khi anh đi, Chính ủy còn cầm cốc tráng men, vừa uống trà vừa nói với người khác: “Sao hôm nay trông cậu ấy phấn khởi thế? Có chuyện gì vui à?”
Người khác: “Chắc là không…”
Lạ thật đấy.
Bởi vì các cán bộ đều cùng nhau ngồi xe jeep về nhà, nên thời gian về nhà của Nghiêm Lỗi đều rất ổn định. Kiều Vi sẽ căn chuẩn thời gian để nấu cơm tối.
Nhưng hôm nay đã tới giờ rồi mà Nghiêm Lỗi vẫn chưa về, cô đang khó hiểu thì Anh Tử nhà đoàn trưởng Triệu tới: “Dì ơi, bố cháu bảo cháu sang nói với dì là hôm nay chú Nghiêm có việc nên xin nghỉ để đi làm việc. Chú Nghiêm bảo là có lẽ sẽ về muộn, bảo dì phần cơm cho chú.”
“Ừ, dì biết rồi, cảm ơn cháu. Anh Tử đừng đi vội.”
Kiều Vi gọi Anh Tử lại, mở hộp lấy hai cái bánh quy ra cho Anh Tử: “Này.”
Anh Tử nhận bánh quy, vui vẻ đi về nhà.
Cô bé ăn một cái trên đường về, cái còn lại thì đem về nhà, bẻ thành hai nửa, một nửa cho Quân Tử, một nửa cho bé Năm.
Hai đứa bé lập tức nhét vào trong miệng, sợ chậm là sẽ bị các anh trai giành mất.
Gia đình đông con, mỗi lần ăn là một lần luyện tốc độ tay.
“Ở đâu ra thế?” Chị Dương nhìn thấy hỏi.
“Dì Kiều cho ạ.”
“Con bé này, đã bảo không được xin đồ ăn của người khác rồi mà!”
“Con không xin! Con đang định đi thì dì Kiều gọi con lại rồi cho con.” Anh Tử cãi: “Dì Kiều hào phóng lắm. Đó chính là bánh quy xịn, dì Kiều không những mua về mà còn mở ra ăn nữa.”
Chị Dương trợn mắt: “Làm gì có nhà ai bằng nhà đó được, chỉ có một đứa con. Nhà mình phải nuôi mấy cái mồm đấy.”
Anh Tử: “Xí. Thế thì mẹ đừng đẻ nhiều như vậy nữa.”
Nhìn thôi cũng biết Nghiêm Tương sống sung sướng và thoải mái hơn mấy anh chị em nhà cô bé nhiều. Mấy hôm trước bé Năm còn bảo là được ăn đào đóng hộp ở nhà họ Nghiêm, làm cô bé thèm chết đi được.
Cô bé bảo mẹ mình đi mua, lúc đến hợp tác xã cung tiêu hỏi thì chẳng còn, đã hết từ lâu rồi.
Chị Dương đánh cô bé một cái.
“Nhưng mà dì Kiều của con đúng là rất hào phóng. Cái này người khác không bằng được.” Chị Dương khen.
Nghiêm Lỗi về muộn hơn mọi khi một lúc, anh còn dẫn theo một người, đó là một người đồng hương.
“Đây đây đây, để ở đây đi.” Nghiêm Lỗi xách theo bao tải, dẫn đồng hương vào nhà.
Đồng hương khiêng một bó cỏ khô lớn trên vai.
Kiều Vi đi từ trong phòng ra, vừa nhìn đã hiểu: “Anh mua cỏ khô à?”
“Không phải là mua, không phải là mua.” Đồng hương vội xua tay: “Là tôi tặng cho anh ấy, tặng.”
Kiều Vi le lưỡi: “Đúng đúng đúng, tặng.”
Giữa các cá nhân không thể nói đến chuyện mua bán.
Nghiêm Lỗi chọc nhẹ cô một cái rồi đi vào nhà. Một lát sau, anh cầm theo tiền và phiếu lương thực ra ngoài để cho đồng hương.
Phiếu là đồ vật chỉ có ở thành phố, nông dân không có phiếu lương thực. Nhưng vì đủ loại lý do mà nông dân vẫn sẽ có nhu cầu muốn có phiếu lương thực.
Đêm hội mùa xuân ở thập niên chín mươi còn có tiểu phẩm, nói về nông dân đẩy xe đạp để “phiếu lương thực đổi gạo”, chính là dùng gạo để đổi lấy phiếu lương thực trong tay người thành phố.
Đồng hương cầm số tiền và phiếu lương thực mà họ đã thương lượng xong từ sớm, nhưng anh ấy không đi ngay mà muốn lấy bao tải về.
Mọi người ở thời đại này còn không nỡ vứt cả tờ giấy rách, thứ gì cũng phải dùng đi dùng lại đến lúc hỏng thì thôi.
Nghiêm Lỗi cũng không so đo chuyện này, anh đổ cỏ khô trong bao tải lên giường trúc, sau đó trả cái bao tải cũ cho đồng hương.
Anh hào phóng như vậy làm đồng hương rất vui, trước khi đi anh ấy còn dặn: “Có việc gì thì cứ tìm tôi nhé, tôi ở gần.”
Nghiêm Lỗi đóng kỹ cửa rồi quay người, Kiều Vi thì đang mân mê chỗ cỏ khô kia: “Sao lại vừa có rời, vừa có đệm cỏ thế?”
Hóa ra cỏ khô trong bao tải đều là cỏ rời, còn trong gói mà đồng hương khiêng vào kia chính là đệm cỏ đã được đan sẵn.
“Cái này để cho em nhét vào đệm.” Nghiêm Lỗi nói: “Cái này để trải giường chiếu.”
“Độ dày của cái này rất vừa vặn, sau này đầu gối em sẽ không đau nữa.” Anh chỉnh vành mũ, mắt sáng bừng.
Đồng chí, anh đừng nhắc đến chuyện đó khi đang mặc bộ quần áo này chứ.
Kiều Vi thấy rất áp lực, cô có cảm giác tội lỗi như đã dạy hư người đứng đắn, vội đẩy anh: “Anh đi thay quần áo đi rồi ăn cơm.”
Nghiêm Lỗi thuận tay ôm đệm cỏ vào nhà.
Nghiêm Lỗi lật chiếu trên giường lên, cuộn cái đệm lại rồi trải đệm cỏ giày lên trên cái giường đất ở dưới, sau đó là đến đệm và chiếu. Anh còn ấn thử, rất êm!
Anh thay bộ quần áo khác rồi đi vào sân, nhìn thấy cái máy giặt bằng sức người bên cạnh giếng nước: “Lắp xong rồi à? Thế nào? Dùng được không?”
“Dùng được. Em đã giặt xong một chậu quần áo rồi.” Kiều Vi nói: “Sau này cứ để em giặt quần áo, anh không cần phải làm, anh rửa bát thôi là được.”
Cô ngồi trên giường trúc, thử nhét cỏ khô vào trong gối dựa.
Lần đầu tiên thất bại, cô dứt khoát móc hết tất cả mảnh vải bên trong ra, trộn lẫn với cỏ khô rồi lại nhét vào, cuối cùng cũng thành công.
Sau khi nhét cỏ khô vào cả ba cái gối, Kiều Vi thử dựa vào nó rồi vui vẻ nói: “Thật sự không lún này.”
Cỏ khô trộn lẫn với mảnh vải là có thể làm cái gối căng ra, mang đến cảm giác đàn hồi không khác gì chỗ tựa lưng của sô pha.

Ads
';
Advertisement