Thập Niên 60: Cuộc Sống Mỹ Mãn Của Vợ Trước Lót Đường Trong Niên Đại Văn

Chương 90: Họp chợ
Lúc Kiều Vi và Nghiêm Lỗi chạy bộ vào sáng sớm đã nhìn thấy nhiều bóng người đung đưa bên sông.
“Thôn Tứ Bình nổi tiếng về đồ dùng bằng trúc.” Nghiêm Lỗi nói với Kiều Vi: “Loại ghế nhỏ chắc chắn là có, nhưng loại to phải dựa vào vận may. Nếu không có thì tuần sau chúng ta đi trấn Thanh Sơn mua.”
Người đàn ông này nói được làm được.
Kiều Vi vui vẻ đồng ý: “Được. Đi hội chợ xem trước biết đâu có thì sao.”
Nhà ba người xách giỏ đan, cầm túi lưới vui vẻ đi về hướng bờ sông.
Dọc đường toàn người đi ra bờ sông họp chợ, đều là từng gia đình, dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều nở nụ cười trên môi. Họp chợ thật sự là một sự kiện hoành tráng lại vui vẻ ở thời đại này.
Nó gần như là một sự kiện giải trí lớn.
Đến bờ sông, đây là lần đầu tiên sau khi Kiều Vi xuyên đến nhìn thấy nhiều người tụ tập lại với nhau như vậy.
Dường như người của cả thị trấn đều tập trung đến bờ sông. Không, thực ra không chỉ có người dân trong thị trấn mà còn có cả người từ các công xã khác đến bán hàng nữa.
Họp chợ thế này không có sản phẩm công nghiệp, nhìn qua toàn là nông sản và hàng thủ công. Đúng kiểu Kiều Vi thích.
Cô đi ngang qua một vài quầy hàng rồi không thể đi tiếp, nhìn cái này, sờ cái kia. Một lúc sau giỏ của cô đã đầy.
Nghiêm Lỗi chen đến kéo cô: “Hỏi được rồi, công xã thị trấn Tứ Bình ở bên kia.”
Mục đích chính hôm nay của Kiều Vi là chiếc ghế trúc to thoải mái, cô bỏ qua những thứ trước mắt, kéo Nghiêm Tương đi theo Nghiêm Lỗi đến chỗ công xã thôn Tứ Bình.
Thôn Tứ Bình nổi tiếng về đồ dùng bằng trúc, cả một khu rộng lớn toàn sản phẩm từ trúc. Sọt trúc, giỏ trúc, chổi trúc… thậm chí còn có rất nhiều ghế trúc nhỏ được bày ra, rõ ràng đây là sản phẩm rất được ưa chuông.
Quá may, Kiều Vi liếc mắt đã thấy hai cái ghế nằm bằng trúc ở sau một đám ghế trúc nhỏ!
Còn là loại có thể gấp lại!
“Đúng không?” Nghiêm Lỗi quay đầu hỏi Kiều Vi: “Đó là loại em muốn phải không.”
“Đúng đúng đúng, chỉ có hai cái thôi, mua nhanh!” Kiều Vi vội vàng lắc tay Nghiêm Lỗi. Từ sau vụ đào vàng đóng hộp, cô hiểu rất rõ nếu nhìn thấy đồ tốt phải ra tay trước chiếm lợi thế: “Em muốn cả hai cái.”
“Em ngồi một cái không đủ hả?” Nghiêm Lỗi khó hiểu hỏi.
Kiều Vi trách anh: “Đồ ngốc, tối mùa hè em với anh mỗi người một cái ngồi dưới mái hiên ăn dưa trò chuyện không được à?”
Ánh mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ.
Tim Nghiêm Lỗi đập mạnh.
Thử tưởng tượng, cảnh chạng vạng tối ăn cơm xong hai vợ chồng ngồi dưới mái hiên, nắm tay nhau nói cười đúng là ấm cúng và tốt đẹp.
“Được, mua cả hai luôn!”
Nghiêm Lỗi đi qua hỏi và trả giá, thoáng chốc đã xong, anh quay lại nói với Kiều Vi: “Anh dẫn họ chuyển đồ về nhà trước.”
Nhưng Kiều Vi lại chỉ vào một vật khác: “Đó là cái gì vậy?”
Cũng là sản phẩm bằng trúc, bốn chân cao bằng chiếc bàn nhỏ nhưng có hình chữ nhật, khung trúc, lớp ngoài được đan bằng trúc, hoa văn giống với chiếu trúc.
Nghiêm Lỗi nghĩ bụng đúng là người thành phố nên không biết, anh nói: “Không phải là giường trúc sao.”
Mùa hè trời nóng có người sẽ ngủ trên giường trúc này, nhưng chủ yếu là những người làm đồng qua đêm dùng để ngủ ngoài đồng.
Kiều Vi đi qua ấn mấy cái, đan bằng trúc nên có độ đàn hồi nhẹ. Cô lại thử ngồi lên, khá thoải mái.
“Cái này.” Cô vỗ lên giường nói: “Em muốn cái này.”
Hôm nay cô đã chạy bộ buổi sáng nên tinh thần rất tốt.
Cô ngồi trên giường ngửa đầu nhìn Nghiêm Lỗi, trong mắt tràn đầy mong đợi.
Nghiêm Lỗi hỏi thẳng người kia: “Bao nhiêu tiền?”
Cuối cùng Nghiêm Lỗi vác một cái chổi trúc lớn, xách chiếc giỏ đan đã đầy ắp của Kiều Vi nói với cô: “Hai người đừng lạc nhau đấy.”
“Em có cái này rồi.” Kiều Vi giơ tay lên lắc lắc.
Bởi vì Nghiêm Tương quá nhỏ, cô cố ý làm một cái dây buộc lên cổ tay mình và Nghiêm Tương, vòng tay chống trẻ đi lạc.
Thế nên Nghiêm Lỗi dùng một chiếc xe ba gác dẫn người của thôn Tứ Bình kéo một cái giường trúc và hai cái ghế nằm có thể gấp bằng trúc mang về nhà trước.
Đến nhà, hướng dẫn người dỡ ghế trúc và giường trúc xuống. Ghế trúc được kê dưới mái hiên, giường trúc tạm thời để trong sân đợi Kiều Vi về xem cô muốn để ở đâu. Anh lại xếp những thứ lặt vặt trong giỏ Kiều Vi mua vào trong nhà, dọn sạch giỏ để mang đi cho Kiều Vi.
Lúc anh định quay lại chợ tìm vợ và con trai, ngoài cửa có người đến lớn tiếng hỏi: “Đây có phải nhà họ Nghiêm không?”
Nghiêm Lỗi đi từ trong nhà ra: “Đúng.”
Là một người đồng hương, anh ta lớn giọng hỏi: “Vợ anh họ gì?”
Nghiêm Lỗi: “… Kiều.”
“Đúng rồi. Đúng là của nhà anh.” Người kia cởi dây buộc trước ngực thả đồ cõng trên lưng xuống nói: “Vợ anh bảo đưa tới đây.”
Là một chiếc tủ mây nhỏ hai cánh.
Nghiêm Lỗi mở cửa tủ nhìn, bên trong có ba tầng giống giá sách. Bên trên còn có hai ngăn kéo.
“Cái này dùng để làm gì?” Anh hỏi.
“Muốn dùng làm gì cũng được.” Người kia nói: “Để bát, treo quần áo, để sách gì cũng được. Tùy anh thôi.”
Người kia nói xong liếc nhìn Nghiêm Lỗi: “Anh là công nhân viên chức hả?”
Nghiêm Lỗi trả lời: “Phục vụ cho nhân dân.”
Người kia cười hềnh hệch: “Cán bộ nói hay thật. Vợ anh… rất giỏi, rất giỏi mua đồ.”

Ads
';
Advertisement