Giữa chừng, có một người chị em dâu cười đi tới định dẫn Nghiêm Tương qua bếp ăn: “Đi nào, sang ngồi chung với các anh chị của cháu.”
Kiều Vi chưa nói gì, tốp đàn ông ngồi bên bàn đã phất tay: “Đi đi thôi, để nhóc đó ở lại đây, cứ để ở đây.”
Người chị em dâu kia chỉ đành rời khỏi với nụ cười gượng gạo.
Kiều Vi xoa đầu Nghiêm Tương.
Dưới sự sắp xếp của bí thư thôn, Kiều Vi không phải nhọc lòng về bất cứ chuyện gì bên đây.
Ăn uống xong xuôi, xe đã được chuẩn bị sẵn, đổi sang một con la khỏe khoắn.
Kiều Vi cảm thấy vô cùng may mắn vì hiện giờ bố Nghiêm Lỗi vẫn có thể đi lại tự nhiên. Không đi được mới là phiền phức to.
Cô nhớ về bộ phim từng xem về thời đại này. Trong phim, những người bệnh không thể đi lại phải nhờ mười mấy người đàn ông vạm vỡ ở thôn đặt lên một tấm ván, sau đó họ sẽ thay phiên nhau khiêng đi mấy chục dặm, tới huyện khám bệnh.
Đấy là còn chịu khám bệnh.
Có rất đông người bệnh không khám, cứ thế chờ chết.
Cha mẹ Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ cùng lên xe.
Mẹ Nghiêm Lỗi cực kỳ lo sợ: “Tôi cũng phải đi sao? Tôi nhất thiết phải đi ư?”
Nghe nói chuẩn bị lên tỉnh, bà ấy hết sức thấp thỏm. Chuyến đi xa nhất đời này của bà ấy chính là chuyến đi đến huyện.
Cùng là khám bệnh cho người già nhưng trong huyện chỉ kê cho ít thuốc, uống xong chẳng đỡ chút nào, mất trắng tiền.
Bà ấy chưa từng nghĩ đến chuyện lên tỉnh.
Vốn định trông mong Nghiêm Lỗi về sẽ đưa ông nhà tới thành phố.
Ngờ đâu cô con dâu này trở về đầy khí khái. Cả bí thư thôn lẫn chủ nhiệm đều bị con bé sai sử, sắp xếp, vừa cất lời đã nhắc đến tỉnh lị.
Đừng nói bà ấy, đến chồng và con trai cả cũng không dám lên tiếng phản đối, mặc cho cô sắp xếp.
Bí thư thôn còn định đi theo, Kiều Vi nói: “Chú hãy yên tâm, có cháu và anh cả mà. Chú đừng đi đi về về, vất vả lắm. Cháu xin thay Nghiêm Lỗi nhận tấm lòng của chú hai.”
Bí thư thôn dặn dò: “Chăm sóc tốt bố mẹ cháu nhé. Nhớ giữ kỹ tiền và thư giới thiệu.”
Rồi lại hét to với Nghiêm Trụ: “Cháu phải siêng năng chút, đảm nhiệm xử lý hết các việc vặt, đừng làm Kiều Vi mệt mỏi.”
Nghiêm Trụ vội đáp: “Cháu hiểu, cháu hiểu rồi ạ.”
Mẹ Nghiêm Lỗi ngước mắt lên, chợt thấy con dâu cả đứng xa xa, đằng sau các trưởng bối đang ra hiệu ánh mắt cho mình. Bà ấy hiểu ý chị ta.
Lúc giữa trưa, mấy người con dâu đã nói với bà ấy, nhờ bà ấy lên tiếng giữ con trai Lỗi Tử lại.
Mẹ Nghiêm Lỗi do dự nhìn thoáng qua Nghiêm Tương.
Đúng lúc này, Nghiêm Tương ngẩng đầu cười với bà ấy. Đôi mắt cong cong, mặt như quả táo, áo sơ mi trắng sạch sẽ không có lấy một vết dầu bắn.
Trái tim mẹ Nghiêm Lỗi tan chảy.
Mấy đứa con dâu trong nhà sao chăm sóc được đứa bé đẹp đẽ tinh xảo thế này. Chuyến đi tỉnh lị kéo dài không biết bao nhiêu ngày. Lỡ về nhà thấy bị va đập vào đâu thì lại không biết ăn nói với Kiều Vi ra sao.
Bà ấy tránh né ánh mắt của hội con dâu, không hé răng nửa lời.
Xe la xuất phát trước ánh nhìn của đám đông ra tiễn.
Rất nhiều đứa bé chạy theo xe một đoạn xa, quang cảnh vô cùng náo nhiệt.
Có người cảm thán: “Nhà ông Nghiêm có phúc thật đấy, bệnh tí thôi mà cũng phải tới tỉnh lị khám.”
Chủ đề chính khiến mọi người bàn tán rôm rả chính là một trăm tệ mà Nghiêm Lỗi và Kiều Vi đã quyên góp.
“Số tiền này đủ đổi được hai cái cối xay mới nhỉ?”
“Tốt quá rồi!”
“Tận một trăm tệ mà nói góp là góp, xa hoa thật!”
Bởi vì trăm tệ kia đem đến niềm rúng động quá lớn cho mọi người, cũng bởi vì Kiều Vi luôn được những nhân vật nổi bật trong làng vây quanh thảo luận nghiêm túc, còn những người khác thì hoàn toàn không thể đến gần, thành ra mãi tới khi giải tán, mọi người mới phát hiện một số chuyện bị bỏ qua.
Khi đám đông tan hết, nhóm chị em dâu nhà họ Nghiêm mới phát hiện một vali, một túi mà Kiều Vi mang về không hiểu sao cũng bị cô mang đi luôn rồi.
“Gì cơ? Nó không để lại bất cứ thứ gì á?”
Ba người phụ nữ đồng loạt ngơ ra.
Không để lại bất cứ thứ gì. Mang về thế nào, mang đi thế đấy.
Thuốc lá này, rượu này, đường này, bánh trái, quần áo mới, giày mới, v.v Những người áo gấm về làng từ phương xa sẽ mang chúng về cho người thân, thậm chí tặng quà người trong thôn… Vậy mà chẳng thấy nổi một món nào.
Thế nhưng Nghiêm Lỗi cho vợ mình về quê thay mình, tuyệt nhiên không có chuyện không chuẩn bị mấy thứ này.
Quần áo mùa hạ mỏng như thế, đâu đến mức phải dùng tới cả vali, còn thêm một cái túi xách nữa. Chắc chắn đã mang đồ về rồi.
Nhưng mang về thế nào, lại mang đi thế đấy.
Kiều Vi không hề để lại dẫu một cục kẹo.
Kiều Vi chỉ dừng chân một lát tại thôn Nghiêm, sau đó lập tức dẫn bố mẹ Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ đi thẳng đến tỉnh.
Ga xe lửa nơi cô xuống khi đến đây nằm ở tỉnh. Tuy nhiên lần này qua đó phải đi xe đường dài.
May mắn thay, do không phải lễ Tết gì nên lượng hành khách không nhiều. Phu xe và phụ xe tới nơi còn chờ tới tận khi họ mua vé thành công, tiễn họ lên xe rồi mới trở về.
Bốn người lớn, một trẻ nhỏ đi lên xe đường dài.
Đến tận lúc này, bố mẹ Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ vẫn như đang nằm mơ.
Đáng lý vợ Nghiêm Lỗi về quê thì phải ở lại nhà họ, chẳng hiểu sao bỗng biến thành bọn họ gấp rút theo cô tới tỉnh lị rồi?
Nhưng do đã trải nghiệm cảnh tượng lúc sáng nên hình tượng của Kiều Vi trong cảm nhận của họ đã thay đổi nghiêng trời lệch đất.
Đến bí thư thôn cũng nghe theo lời cô.
Khi nàng đĩnh đạc phát biểu, những người có tiếng tăm trong thôn đều tập trung lắng nghe.
Mặc dù bố Nghiêm Lỗi và Nghiêm Trụ không hiểu mấy về những việc to tát đó nhưng khi cô giảng giải, lời lẽ hết sức rành mạch, dòng thời gian xuyên suốt, sự kiện lớn chuẩn xác, đến bọn họ còn nghe được nửa hiểu nửa không.
Ai có thể biết nhiều chuyện lớn quốc gia đến vậy chứ?
Cha chồng và anh chồng Kiều Vi bất giác kính sợ cô.
Lúc này đã tới giờ ngủ trưa của Nghiêm Tương. Cậu bé ngủ thiếp đi trong lòng mẹ.
Mẹ Nghiêm Lỗi nhẹ nhàng khen ngợi: “Nhìn thằng bé này, dễ trông nom thật.”
Không ồn ào, không nghịch phá, không chạy loạn, người lớn nói là nghe.
Nhóm con dâu nói đưa Nghiêm Tương theo làm phiền người lớn khám bệnh, muốn Nghiêm Tương ở lại thôn Nghiêm. Hiện giờ, mẹ Nghiêm Lỗi không thấy hối hận khi không nghe lời nhóm con dâu.
Con trai ấy à… cứ theo mẹ ruột vẫn tốt hơn.
Xe đường dài di chuyển mấy tiếng đồng hồ, cập bến tỉnh lị lúc trời đã tối.
Bốn người lớn dẫn theo Nghiêm Tương xuống xe. Ba người xưa nay chưa từng thấy thành phố lớn cứ nhìn quanh dáo dác.
“Nhìn kìa, đằng kia có tòa nhà! Cao ba tầng lận!”
“Đèn đường trên con đường này cứ sáng mãi vậy hả? Thế thì tốn bao nhiêu là điện kia chứ.”
“Nhiều xe đạp vậy ư.”
Truy cập tên miền Tamlinh247.Online nếu không vào được web nhé
Top Truyện hay nhất