Thập Niên 60: Cuộc Sống Mỹ Mãn Của Vợ Trước Lót Đường Trong Niên Đại Văn

Lục Mạn Mạn: “Hả?”
Kiều Vi: “Lúc về em cứ tỏ ra bình thường, giả vờ đùa giỡn nói lại cho chồng em nghe những gì chị nói.”
Lục Mạn Mạn được cưng chiều nên rất ngây thơ nhưng cô ấy không ngốc. Kiều Vi nói như thế cô ấy đã hiểu ra rồi.
Về nhà, cô ấy giả vờ ngốc nghếch, cười ha ha thuật lại cho chồng nghe.
Trán tiểu đoàn trưởng Lý lấm tấm mồ hồi, chỉ tay lên trời thề thốt: “Người trong thôn của anh xưa nay đều rất chung thủy với vợ, em ở đây thế nào thì về nhà anh cũng sẽ như thế. Nếu như anh để tay em dính một chút bùn đất nào thì anh không mang họ Lý nữa. Nếu có chuyện gì thì em không cần lên tiếng, em chỉ cần ở yên đó, anh sẽ tự đi nói chuyện.”
Lục Mãn Mạn làm nũng: “Em biết anh rất tốt. Chị Vi nói là chị ấy với đoàn trưởng Nghiêm lựa chọn nhiều người như vậy mới chọn được anh. Em tin hai người họ không nhìn nhầm.”
Tiểu đoàn trưởng Lý: “Tất nhiên rồi. Lãnh đạo chính là tấm gương để anh học tập!”
Lục Mạn Mạn theo Đại đội trưởng Lý lên tàu giường nằm, thứ mà phần lớn mọi người chưa từng thấy, để về quê anh ta thăm bố mẹ chồng.
Kiều Vi và Nghiêm Lỗi bắt đầu sắm Tết.
Lúc này không khí Tết đã rất rõ ràng. Lũ trẻ đã không chờ được nữa, lén lút lấy những viên pháo nhỏ cất trong túi ra đốt trên đường.
Nhà Kiều Vi bây giờ rất thân thiết với nhà chủ nhiệm Lục, đồ Tết năm nay rất đầy đủ. Nhất là vịt quay và giò lụa chủ nhiệm Lục tặng, nhìn miếng giò lụa to đùng kia Kiều Vi đã chảy nước miếng, trong đầu nghĩ ra một trăm lẻ tám cách chế biến khác nhau.
28 Tết tổng vệ sinh, hai vợ chồng dọn dẹp nhà cửa từ trong ra ngoài.
Đồ nào cần giặt thì giặt, đồ nào cần lau thì lau. Ngay cả đống đồ linh tinh trước đây dọn sân chất đống ở khoảng trống giữa nhà và tường sau cũng được Nghiêm Lỗi dọn dẹp sạch sẽ.
Anh còn gom gạch vụn ngói vỡ, sửa cho mảnh vườn rau cưng của mình một cái… cũng không biết gọi là gì, tóm lại rào là lại cho ngay ngắn, đi vào còn có chỗ đặt chân.
29 Tết phải dán câu đối nhưng Nghiêm Lỗi lại không có nhà.
Anh đã nói trước với Kiều Vi, lãnh đạo muốn xuống thăm hỏi từng gia đình, an ủi người nhà, Sư trưởng Phan bảo anh đi cùng.
Kiều Vi nói: “Anh đi đi, để em dán cho.”
Nghiêm Lỗi còn lo: “Em có với tới không?”
Vì thời điểm này đâu cũng là nhà riêng, không giống như thế hệ sau đều ở nhà lầu, cửa nhà nhỏ. Lúc này cửa nhà nào cũng là cửa mở hai cánh, rất cao. Câu đối xuân mua được cũng rất to.
Kiều Vi nói: “Em đứng lên ghế!”
Nghiêm Lỗi muốn dán trước, Kiều Vi không cho.
Đừng phá không khí, chị Dương đã nói với cô rồi, chiều 29 mới được dán.
Kiều Vi thích Tết lắm, không khí Tết, mùi pháo, mùi người, thời gian nào làm việc gì, không được để Nghiêm Lỗi phá.
Chiều 29 Tết, ăn trưa xong Kiều Vi dẫn Nghiêm Tương đi dán câu đối: “Con xem, như này đã ngay ngắn chưa?”
Nghiêm Tương ngửa đầu nhìn trái nhìn phải: “Bên trái cao hơn… bên phải lại cao hơn rồi… được rồi được rồi! Đừng động đậy nữa!”
Cuối cùng cũng dán xong câu đối ngang.
Vừa lau sạch ghế thì ngoài cửa đã truyền đến giọng Nghiêm Lỗi: “Kiều Vi! Kiều Vi! Nhà có khách!”
Một đám đàn ông mặc áo khoác quân đội ùa vào sân ào ào, tình huống này làm Kiều Vi giật mình.
Nhìn kỹ lại, chỉ có Sư trưởng Phan, đoàn trưởng Triệu là quen, cũng có vài người quen mặt nhưng phần lớn là không quen không biết.
Bỏ quân hàm đi thì mọi người đều mặc giống nhau, không phân biệt được chức vụ cao thấp, chỉ nhìn được tuổi tác.
Đi ở giữa có mấy người đàn ông đã cao tuổi. Sư trưởng Phan luôn đi bên cạnh một người đàn ông rất lớn tuổi.
Kiều Vi biết chắc đây là lãnh đạo, nhưng cô không quen nên đi lên chào hỏi người quen trước: “Sư trưởng, ngài đến rồi!”
Sư trưởng Phan rất hòa nhã, chào cô: “Kiều Vi, Kiều Vi lại đây.”
Ông ấy giới thiệu với người đàn ông lớn tuổi nhất ở giữa: “Quân trưởng, đây chính là vợ Nghiêm Lỗi, Kiều Vi.”
“Kiều Vi, mau đến chào Quân trưởng.”
Kiều Vi tiến lên đưa tay ra, cười nói: “Thủ trưởng, chào ngài, tôi là Kiều Vi, hiện đang làm việc tại văn phòng huyện ủy, lãnh đạo trực tiếp của tôi là bí thư Mạnh.”
Đi cả ngày, gặp nhiều gia đình quân nhân như vậy, Kiều Vi vẫn là người đầu tiên chủ động đưa tay ra. Có nhiều gia đình quân nhân, Quân trưởng đưa tay ra, họ còn luống cuống xoa xoa tay vào tạp dề mới dám bắt tay với lãnh đạo.
Quân trưởng bắt tay cô, từ ái hòa nhã: “Đã nghe nói về cô từ lâu, cây bút trong gia đình quân nhân, tôi đã đọc bài viết của cô rồi, đồng chí trẻ tinh thần hăng hái, rất tốt.”
Người nhà quân nhân được Quân trưởng khen một câu “Rất tốt”, khiến nhiều người có mặt ở đó không khỏi nhìn Nghiêm Lỗi với ánh mắt ngưỡng mộ.
Nghiêm Lỗi vẫn bình tĩnh như thường, đã quen với việc vợ mình không hề sợ hãi trước những việc lớn, còn làm mình nở mày nở mặt.
Kiều Vi mời mọi người vào nhà ngồi.
Bên ngoài trời lạnh giá nhưng trong nhà đốt lò, có thể sưởi ấm, rất thoải mái.
Nhưng Quân trưởng và mọi người đều không vội vào trong, quan sát trong sân, cuối cùng ánh mắt tập trung cả vào bức tường ngoài của ngôi nhà.
Quân trưởng hỏi: “Khu tái định cư của chúng ta còn có nhà gạch đất à?”
Sư trưởng Phan cũng là lần đầu tiên đến nhà Nghiêm Lỗi, cũng có chung một nỗi băn khoăn.
Không nên chứ, lúc xây dựng lại đống đổ nát, tường đất đã sớm bị phong hóa thành những cục đất không có giá trị xây dựng sửa chữa rồi, những ngôi nhà được xây dựng lại đều là nhà đá.
“Là nhà đá.” Kiều Vi giải thích: “Nhưng tôi sợ lạnh nên trát thêm bên ngoài một lớp đất vàng để giữ ấm cho ngôi nhà.”
“Hơn nữa, ngôi nhà cũ đã được sửa chữa, tường cũng không đẹp, vừa hay trát một lớp đất cũng có thể chỉnh trang đẹp đẽ.”
Có người nói một câu: “Thế thì quét vôi đi.”
Suy cho cùng, trong lòng nhiều người, nhà gạch đất là ngôi nhà tồi tàn nhất, tượng trưng cho nghèo đói và khổ cực. Miệng thì nói càng nghèo càng vinh quang nhưng vẫn tranh giành đến đầu rơi máu chảy mấy ngôi nhà gạch ngói đỏ.
Kiều Vi lại cười nói: “Màu sắc quê hương rất đẹp, không cần quét vôi.”
Quân trưởng không nói gì, chỉ gật đầu nhưng ánh mắt lại ấm áp hơn nhiều. Dẫn mọi người vào nhà.
Trong phòng bốn bức tường trắng tinh sạch sẽ, không hề có dấu vết trẻ con vẽ bậy.
Trên tường phòng chính treo chân dung của các nhân vật vĩ đại, đồ đạc giống như những gia đình khác, đây đều là do nhà nước phân phối theo cấp bậc. Đoàn trưởng có nhiều bàn và ngăn kéo hơn doanh trưởng. Sư trưởng lại càng nhiều hơn nữa.
Nhìn chung, bố cục đều giống nhau.
Nhưng nhà Kiều Vi còn có thêm một chiếc chõng tre.
Đến mùa thu trời lạnh thì từ sân chuyển vào nhà, kê sát tường. Mùa đông trải một lớp vải thô càng thêm ấm.
Chiếc gối vải thô dựa vào bức tường trắng như tuyết, mộc mạc sạch sẽ. Trên chiếc chõng tre còn tùy ý đặt một cuốn sách Tuyển tập tư tưởng của các vĩ nhân, trong trang sách lộ ra một góc của chiếc thẻ đánh dấu bằng tre, im lặng tuyên bố rằng chủ nhân đang học tập rất nghiêm túc.
Có nhiều người đến như vậy, Kiều Vi và Nghiêm Lỗi mang hết ghế, ghế dài, ghế vuông, ghế đẩu trong nhà ra mới đủ chỗ ngồi. Trên chiếc chõng tre cũng có vài người chen chúc.
Chiếc bếp than gang được đặt chính giữa nhà, trên đó đặt ấm đun nước.
Nghiêm Tương theo chỉ dẫn của mẹ ôm một chồng bát lớn từ trong bếp ra. Cậu bé vừa vào, mấy người vội đứng dậy đưa tay ra.
Nghiêm Lỗi cười nói: “Không sao, nó làm được.”
Quả nhiên cậu bé đưa bát cho bố rất vững vàng.
Người quá đông, cốc uống trà không đủ dùng, phải lấy bát ra để ứng phó.

Ads
';
Advertisement